Năm 2023, mỗi giây có tới 54000 bức ảnh được chụp, tương đương với 1,81 nghìn tỷ bức ảnh mỗi năm.
Thật là một con số khổng lồ, thế nhưng nó hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên khi để chụp một bức ảnh không còn phức tạp và cầu kỳ như cách đây vài chục năm nữa, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trong tay là bạn hoàn toàn có thể thực hiện ghi lại những khoảnh khắc, con người và sự vật xung quanh mình rồi.
Thế nhưng có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi: “Để có sự thể chụp lại những bức ảnh nhanh, đẹp, dễ dàng chia sẻ như ngày nay thì Lịch sử nhiếp ảnh thế nào không?”. Hãy cùng Lukbaongoc điểm qua những cột mốc trong lịch sử nhiếp ảnh nhé.
Thế kỷ thứ 5 trước công nguyên
Ý tưởng về việc tái hiện hình ảnh đã được người Trung Quốc thực hiện thành công và họ đã ghi chép lại cách mà hình ảnh được tái hiện “lộn ngược” so với hình ảnh gốc thông qua một cái “lỗ” như thế nào
Thế kỷ thứ 4 trước công nguyên
Ý tưởng tương tự về việc tái hiện hình ảnh qua “lỗ” cũng được nhà triết học người Hy Lạp – Aristotle ghi chép lại trong tác phẩm của mình
Năm 1021
Camera Obscura (tiếng Latin nghĩa là “phòng tối”) được phát minh bởi nhà khoa học người Arab – Alhazen và được mô tả trong cuốn sách về quang học của ông. Thiết bị bao gồm một chiếc hộp hoặc một căn phòng với một lỗ nhỏ ở trên tường hoặc thành hộp. Về nguyên tắc thì rất giống với những gì đã được khám phá bởi người Trung Quốc và Hy Lạp vào những năm trước công nguyên.
Năm 1664 – 1672
Isaac Newton phát hiện ra ánh sáng trắng là hỗn hợp của tất cả các ánh sáng đơn sắc, bao gồm 7 màu cơ bản, từ đó tạo tiền đề cho những nghiên cứu về quang học
Năm 1685
Johann Zahn đã hình dung và chế tạo ra bản mẫu của ý tưởng về một chiếc máy ảnh nhỏ gọn và đủ di động để có thể chụp ảnh. Tuy nhiên phải hơn 150 năm sau đó thì ý tưởng của ông mới có thể được hiện thực hóa với những chiếc máy ảnh nhỏ gọn như ngày nay
Năm 1717
Johann Heinrich Schulze phát hiện ra bạc nitrat bị sẫm màu khi tiếp xúc với ánh sáng. Đây chính là tiền đề cho việc phát minh ra phim sử dụng cho máy ảnh
Năm 1816
Nhà phát minh người Pháp – Joseph Nicephore Niepce đã chế tạo ra chiếc máy ảnh bằng gỗ có gắn thấu kính và ông đã thành công trong việc tạo ra những bức ảnh với chiếc máy ảnh đó. Tuy nhiên những bức ảnh được chụp ra lại hoàn toàn bị “cháy” khi gặp ánh sáng.
Đến năm 1826 – Nicephore Niepce đã phát minh ra Heliograph (mượn từ tiếng Hy Lạp với : Helios nghĩa là “Mặt Trời” và graphein nghĩa là “ghi chép”) và ông đã sử dụng thiết bị này để chụp bức ảnh đầu tiên trong lịch sử – bức ảnh View from the Window at Le Gras. Bức ảnh này được cho là phải cần đến 8 hoặc 9 tiếng phơi sáng để “máy ảnh” có thể ghi lại được.
Năm 1837
Với sự cộng tác với Joseph Nicephore Niepce – Louis Daguerre đã phát minh ra “quy trình nghệ thuật chụp hình thực tiễn” – sau đó được sử dụng rộng rãi cho việc chụp chân dung.
Năm 1839, bức hình selfie đầu tiên trong lịch sử nhiếp ảnh đã được chụp bởi Robert Cornelius – một người nhập cư gốc Hà Lan, chụp bên ngoài cơ sở kinh doanh gas của gia đình ở Philadelphia, Mỹ.
Năm 1858
Bức ảnh được chụp từ trên không đầu tiên trong lịch sử nhiếp ảnh được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia và vận động viên khinh khí cầu người Pháp – Gaspar Felix Tournachon (được gọi là “Nadar”). Năm 1855, ông được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng sử dụng ảnh chụp từ trên không để lập bản đồ và khảo sát, phải mất 3 năm thử nghiệm trước khi bức ảnh trên không đầu tiên được thực hiện thành công – đó là bức ảnh chụp quang cảnh ngôi làng Petit-Becetre của Pháp được chụp từ khinh khí cầu có dây buộc, ở độ cao 80m.
Năm 1861
Nhà vật lý người Scotland James Clerk Maxwell đã chụp bức ảnh màu đầu tiên. Bức ảnh được thực hiện bằng cách chụp vật thể 3 lần thông qua các bộ lọc màu đỏ, xanh dương và vàng, sau đó kết hợp các hình ảnh lại với nhau thành bức ảnh hoàn chỉnh
Năm 1871
Richard Leach Maddox – một nhà vật lý và nhiếp ảnh gia người Anh đã phát minh ra phim âm bản thủy tinh khô bằng bạc gelatin. Đây là một phát minh lớn giúp thay thế quy trình ghép bản ướt trước kia sử dụng các hóa chất nguy hiểm và không thuận tiện. Với phim âm bản thủy tinh khô – thủy tinh được tráng trước bằng gelatin và được làm nhạy sáng với muối bạc, nó cho phép thời gian phơi sáng nhanh hơn và giúp lưu trữ trong thời gian dài.
Năm 1884 – 1888
George Eastman – một nhà phát minh và doanh nhân người Mỹ đã thành lập công ty “Eastman Kodak” với mục đích phổ cập nhiếp ảnh tới công chúng.
Chiếc máy ảnh đầu tiên trong lịch sử nhiếp ảnh được thương mại hóa được gọi là “Kodak” – là một chiếc máy ảnh hộp rất đơn giản với ống kính có tiêu cự cố định và tốc độ màn trập đơn với mức giá tương đối thấp đã thu hút rất nhiều người tiêu dùng.
Kodak được nạp sẵn đủ phim cho 100 lần chụp, sau 100 lần chụp máy ảnh cần được gửi lại nhà máy để xử lý và thay thế cuộn phim mới. Tới cuối thế kỷ 19, Eastman đã mở rộng dòng sản phẩm của mình với số lượng mẫu máy ảnh đa dạng hơn
Năm 1878
Eadweard Muybridge – một nhiếp ảnh gia người Anh, đã chụp thành công một chuỗi chuyển động. Các thử nghiệm của Muybridge trong việc chụp ảnh chuyển động bắt đầu vào năm 1872, khi ông trùm đường sắt Leland Stanford thuê ông để chứng minh rằng trong một thời điểm cụ thể trong dáng chạy của một con ngựa đang phi nước kiệu: cả 4 chân không đồng thời chạm đất. Những nỗ lực ban đầu đều không thành công vì màn trập của máy ảnh không đủ nhanh để ghi lại hình ảnh. Dự án sau đó bị gián đoạn một thời gian và tiếp tục vào năm 1877, Muybridge đã phát triển một loại màn trập đặc biệt có tốc độ phơi sáng 2/1000 giây. Sự sắp xếp này đã mang lại kết quả khả quan và giúp ông ghi lại hình ảnh của một chuỗi chuyển động của con ngựa khi phi nước kiệu.
Đây là tiền đề cho sự phát triển của lĩnh vực phim ảnh về sau.
Năm 1884 – 1924
Cùng với những nỗ lực nhằm đơn giản hóa và cải thiện chất lượng của quy trình tráng phim ảnh, những nỗ lực trong việc thiết kế những chiếc máy ảnh nhỏ gọn và dễ sử dụng hơn cũng được các nhà nghiên cứu thực hiện.
Oskar Barnack – một thợ cơ khí và nhà phát minh bậc thầy, gia nhập công ty quang học Leitz vào năm 1911. Ông đã hoàn thành nguyên mẫu đầu tiên cho chiếc máy ảnh Leica vào năm 1913, nhưng chiến tranh thế giới đã khiến việc sản xuất bị trì hoãn. Chiếc máy ảnh nhỏ gọn với ống kính tiêu cự 50mm cùng viewfinder đầu tiên được ra mắt vào năm 1925, chiếc máy ảnh sử dụng phim 35mm về sau được sử dụng rất rộng rãi trong nhiếp ảnh
So với những chiếc máy ảnh nổi tiếng thời đó thì nó là một sự đổi mới thực sự nhờ sự nhỏ gọn tiện dụng của nó
Năm 1926
Nhiếp ảnh dưới nước ra đời với bức ảnh chụp chú cá bên dưới, bức ảnh được chụp ngoài khơi Florida Keys ở vịnh Mexico bởi tiến sĩ William Longley và nhiếp ảnh gia Charles Martin – National Geographic
Bức ảnh được chụp bởi máy ảnh được bọc trong vỏ chống thấm nước và hàng kg bột đèn flash có độ nổ cao để chiếu sáng dưới nước.
Năm 1929
Franke & Heidecke giới thiệu máy ảnh Rolleiflex TLR (Twin Lens Reflex – Máy ảnh ống kính đôi) vào tháng 1 năm 1929, sau khi 11 nguyên mẫu và 12 mẫu sản xuất được chế tạo vào năm 1928.
Năm 1936
Chiếc máy ảnh SLR (Phản xạ ống kính đơn) sử dụng phim 35mm đầu tiên ra đời, chiếc Ihagee Kine Exakta với nút bấm và cần gạt lên phim tự động, màn trập tốc độ từ 12 đến 1/1000 giây.
Năm 1948
Một loại máy ảnh hoàn toàn mới được giới thiệu – chiếc Polaroid Model 95, là chiếc máy ảnh chụp lấy ngay đầu tiên trên thế giới. Model 95 đã sử dụng một quy trình hóa học đã được cấp bằng sáng chế để tạo ra các bản in dương bản hoàn thiện từ các bản âm bản được phơi sáng trong vòng chưa đầy một phút.
Năm 1975
Máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên được sáng chế bởi Steven Sasson – kỹ sư của Eastman Kodak. Chiếc máy nặng 8 pound (3,6 kg), có độ phân giải 0,01 megapixel, ảnh chụp đen trắng và mất 23 giây để ghi lại được một bức ảnh, ảnh được ghi lại vào băng cassette và để xem lại cần kết nối tới màn hình bên ngoài. Đây chính là sự khởi đầu cho ảnh kỹ thuật số
Năm 1984
Steve McCurry đã chụp một trong những bức ảnh chân dung nổi tiếng nhất mà thế giới từng thấy. Bức ảnh cô gái Afghan ghi lại hình ảnh cô gái Afghanistan với đôi mắt xanh ám ảnh hút hồn người xem. Sự quyến rũ đó chứng minh sức mạnh của nhiếp ảnh trong việc mang “chạm” tới trái tim người xem.
Bức ảnh được chụp bằng máy Nikon FM2 cùng ống kính Nikkor 105mm Ai-S F2.5 và phim Kodachrome 64
Từ 1975 đến nay
Dòng thời gian của lịch sử nhiếp ảnh vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, sự ra đời của nhiếp ảnh số (digital photography) đã làm cho nhiếp ảnh trở nên dễ tiếp cận hơn, tiện lợi và nhanh chóng hơn cho không chỉ những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà còn với những người dùng phổ thông.
Những năm 1980 và 1990 là giai đoạn chứng kiến những chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên ra đời và dần dần chúng đã chứng minh sự phù hợp với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để thay thế cho những chiếc máy ảnh phim.
Năm 1999, máy ảnh Nikon D1 ra đời với hiệu năng, hình dáng, thiết kế và chất lượng ảnh hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của các nhiếp ảnh gia và nhà báo vào giai đoạn đó. Với mức giá phù hợp cùng thông số kỹ thuật tốt hơn rất nhiều những máy ảnh số chuyên dụng vào giai đoạn đó, Nikon D1 đã là một sản phẩm rất thành công và không thể bỏ qua cho các nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ảnh chụp từ Nikon D1 có độ phân giải tối đa 2,7 Megapixel. Sự ra đời của Nikon D1 bắt đầu cho một cuộc đua sản về giá và tính năng của các hãng sản xuất máy ảnh chuyên nghiệp như Nikon, Canon…
Năm 2002 – Chiếc máy ảnh siêu nhỏ gọn Casio Exilim EX-S1/EX-M1 ra đời, bắt đầu cho trào lưu của những chiếc máy ảnh gọn nhẹ, mỏng như một tấm thẻ có thể đeo trên cổ tay
Năm 2007 – Gopro Digital Hero 3 được giới thiệu ra thị trường và trở thành thiết bị cần có của rất nhiều những vận động viên hoặc những người ưu thích thể thao và mạo hiểm
Nhiếp ảnh di động
Cũng trong năm 2007, chiếc iphone đầu tiên ra đời, mặc dù không phải là chiếc điện thoại đầu tiên có tích hợp camera nhưng sự đơn giản trong giao diện sử dụng, thuận tiện trong chia sẻ cùng hệ sinh thái ứng dụng đa dạng cho chụp và chỉnh sửa ảnh đã giúp iphone trở thành thiết bị phổ thông trên toàn cầu và tạo nên sự bùng nổ cho “nhiếp ảnh di động”.
Mong rằng qua bài viết này, bạn có thể hình dung được phần nào về quá trình nhiếp ảnh được con người khám phá, khai thác và phát triển giúp cho việc ghi lại những khoảnh khắc, sự kiện, sự vật và con người của chúng ta ngày càng thuận tiện hơn như thế nào.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho bài viết và Happy photography!
Sưu tầm và dịch