You are currently viewing Máy ảnh hoạt động như thế nào?

Máy ảnh hoạt động như thế nào?

Có bao giờ bạn tự hỏi Máy Ảnh hoạt động như thế nào? Nó ghi lại hình ảnh ra sao? Nếu có thì Bạn không cô đơn trong hành trình tìm hiểu điều này vì cũng rất nhiều người có câu hỏi tương tự. Hãy cùng Lukbaongoc tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Vai trò của ánh sáng

Máy ảnh và đôi mắt của chúng ta có khá nhiều nét tương đồng trong cách hoạt động:

  • Đều thu nhận ánh sáng phản xạ từ vật thể để tái tạo hình ảnh
  • Đều có thể “tập trung” vào 1 điểm / 1 vật thể và làm mờ xung quanh hoặc điều tiết để nhìn rõ toàn bộ khung cảnh trong “tầm nhìn” của mình
  • Võng mạc của mắt tương tự như film hoặc cảm biến trên máy ảnh trong nhiệm vụ tái tạo hình ảnh

Không có ánh sáng, máy ảnh hay đôi mắt của chúng ta đều không thể “nhìn” hoặc “ghi lại” hình ảnh; hơn nữa ánh sáng cũng đóng vai trò làm cho mọi vật, cảnh vật trở nên “đẹp” và “huyền ảo” hơn rất nhiều, do vậy các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay các nhà làm phim đều rất chú trọng đến việc hiểu, làm chủ và sử dụng ánh sáng một cách hiệu quả.

ánh sáng trong nhiếp ảnh

Cấu trúc của một chiếc máy ảnh

Máy ảnh bao gồm 2 phần chính: Ống kính và thân máy được gắn với nhau, trên thị trường có 2 dòng máy ảnh chính: Máy ảnh ống kính cố định (dòng Compact và Point & Shoot) và máy ảnh ống kính rời (DSLR, Medium Format…)

cấu tạo của máy ảnh

1, Ống kính (Lens)

Ống kính là thành phần thu ánh sáng đầu tiên hay còn được ví như “con mắt” của máy ảnh. Ánh sáng phản chiếu từ vật thể sẽ đi qua ống kính để tới các cấu phần bên trong của máy ảnh.

Trong ống kính là cụm các thấu kính làm bằng thủy tinh hoặc nhựa tổng hợp chất lượng cao, đây là thành phần rất phức tạp đòi hỏi quá trình thiết kế và kiểm tra rất tỉ mỉ.

Trên ống kính thường có 2 thông số chính:

Tiêu cự

Là khoảng cách giữa điểm hội tụ của ống kính và film hoặc cảm biến ghi lại hình ảnh. Khoảng cách này được đo bằng mm – thông thường tiêu cự càng ngắn thì phạm vi hình ảnh thu được càng lớn (góc nhìn rộng) / đối tượng chụp gần và ngược lại tiêu cự càng dài thì phạm vi hình ảnh thu được càng bé (góc nhìn hẹp) / đối tượng chụp xa

Cấu tạo ống kính máy ảnh

Mô phỏng độ mở theo tiêu cự ống kính

Minh họa về độ phóng đại của ảnh theo tiêu cự ống kính

Khẩu độ

Khẩu độ là độ mở của ống kính để ánh sáng có thể đi qua, độ mở của ống kính càng lớn thì lượng ánh sáng đi qua càng nhiều và ngược lại. Thông thường khẩu độ có ký hiệu là f/x (với x là 1.4, 2, 2.8, 4, 5.6, 8, 11, 16…), x nhỏ tương ứng với độ mở ống kính lớn – ánh sáng được thu vào nhiều hơn và ngược lại

Khẩu độ ảnh hưởng thế nào tới độ sáng của một bức ảnh? Như ví dụ dưới đây, bạn có thể thấy độ mở ống kính càng to thì lượng ánh sáng thu được càng nhiều

Ngoài việc ảnh hưởng tới độ sáng của bức ảnh, khẩu độ còn ảnh hưởng tới độ sâu trường ảnh (hay dễ hiểu hơn là độ mờ, rõ của cảnh vật phía sau vật thể)

Các nhiếp ảnh gia thường sử dụng độ mở ống kính lớn để mang lại sự huyền ảo cho những bức ảnh chân dung.

Lấy nét

Lấy nét là thực hiện chọn vùng cần chụp rõ nét nhất trên một bức ảnh, các máy ảnh thông dụng đều có 2 chế độ: 

  • Lấy nét thủ công: Bạn thực hiện vặn vòng lấy nét trên ống kính để thay đổi khoảng cách lấy nét của ống kính
  • Lấy nét tự động: Máy ảnh tự động di chuyển các thành phần thấu kính để lấy nét vào đối tượng được chọn

Ống kính máy ảnh có 2 loại

Ống kính có tiêu cự cố định (Prime Lens) – ví dụ ống kính có thông số 50mm – f1.4 (nghĩa là ống kính có tiêu cự cố định 50mm và khẩu độ mở tối đa là f/1.4)

Ống kính có tiêu cự thay đổi được (Zoom Lens) – ví dụ ống kính có thông số 100-400mm f5.6-8 (là loại ống kính có độ mở tối đa thay đổi theo tiêu cự) hoặc 24-105mm f4 (là ống kính có độ mở tối đa không đổi theo tiêu cự – loại ống này có giá thành đắt hơn)

2, Thân máy

Sau khi đi qua ống kính, ánh sáng sẽ tiếp tục đi vào phần thân máy và kết thúc ở film hoặc cảm biến hình ảnh. Thân máy gồm các thành phần chính:

Ống ngắm (Viewfinder)

Ống ngắm trên máy ảnh là một khe nhỏ trên máy ảnh, vừa đủ để đưa mắt vào nhìn, trên ống ngắm sẽ xuất hiện hình ảnh thu được từ ống kính cùng các thông số khác ví dụ như ISO, độ sáng của ánh để người chụp có những điều chỉnh phù hợp

Tất cả các máy DSLR và máy ảnh không gương lật (mirrorless) đều có ống ngắm (viewfinder) – ống ngắm có thể là loại quang học hoặc điện tử.

Trong các máy DSLR với ống ngắm quang học, khi ánh sáng vào ống kính nó sẽ được đưa tới một tấm gương và phản xạ tới lăng kính 5 mặt để tới ống ngắm, một phần ánh sáng đi tới gương phụ (secondary mirror) để tới cảm biến lấy nét tự động.

Trong máy ảnh không gương lật, ánh sáng đi trực tiếp tới cảm biến và hình ảnh trực tiếp được truyền tới ống ngắm điện tử (EVF) hoặc màn hình ở phía sau của thân máy

Màn trập

Màn trập là có chế cho phép ánh sáng chiếu vào phim hoặc cảm biến trong một khoảng thời gian nhất định (tốc độ màn trập).

Nó thường được hiển thị bằng giây: 1 giây, ½ giây, ¼ giây… 1/250 hoặc 1/500 giây… Tốc độ màn trập nhanh làm giảm lượng ánh sáng đi tới film hoặc cảm biến, tốc độ màn trập chậm làm tăng lượng ánh sáng đi tới film hoặc cảm biến.

Các màn trập thế hệ cũ là màn trập cơ học nên tiếng rất to cũng như có hạn chế về tốc độ màn trập, hiện nay thế hệ màn trập điện tử ra đời giúp làm tăng tốc độ màn trập (hiện tại đã lên tới 1/32000 giây) và gần như không có tiếng động khi chụp.

Cảm biến

Ảnh được ghi vào film hoặc cảm biến (số), hiện nay máy ảnh số được ưa chuộng vì sự tiện lợi của nó và máy ảnh phim chỉ còn được 1 số nghệ sỹ hoặc người chơi hoài cổ sử dụng vì nó đòi hỏi sự tỉ mẩn và cầu kỳ, kiên nhẫn.

Hầu hết các máy ảnh số đều có cảm biến CMOS hoặc CCD tiêu chuẩn. Cảm biến máy ảnh là một phần cứng bên trong máy ảnh giúp thu ánh sáng và chuyển đổi chúng thành tín hiệu dẫn đến hình ảnh. Cảm biến bao gồm hàng triệu điểm ảnh ghi lại những gì được nhìn thấy qua ống kính. Kích thước cảm biến ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, cảm biến lớn hơn cho chất lượng ảnh tốt hơn so với cảm biến nhỏ

Độ nhạy sáng (ISO là gì)

Nói một cách cơ bản, ISO là cài đặt để làm ảnh của bạn sáng hoặc tối, khi bạn tăng ISO ảnh của bạn sẽ càng sáng hoặc phù hợp để chụp trong môi trường thiếu sáng (trong nhà), trong môi trường ánh sáng tự nhiên ngoài trời bạn sẽ cần giảm ISO để ảnh không bị cháy sáng. 

Việc tăng ISO có thể giúp chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng được thuận lợi, thế nhưng ISO quá cao có thể dẫn đến ảnh bị nhiễu và trong 1 số trường hợp không sử dụng được. 

Các máy ảnh đều cho phép lựa chọn các mức ISO, thông thường là: ISO 100, ISO 200/400/800/1600/6400…

ISO, khẩu độ và tốc độ màn trập là 3 thông số quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của bức ảnh được chụp ra. Vì vậy việc hiểu các thông số này và kết hợp chúng hiệu quả sẽ giúp người chụp có được những bức ảnh chuẩn mực.

Kết bài

Rất mong bài viết này mang lại cho bạn những khái niệm và hiểu biết cơ bản về máy ảnh và cách nó hoạt động, giúp bạn tự tin hơn khi sử dụng chúng cũng như để chụp được những bức ảnh đẹp, đủ sáng nhé.

Hẹn gặp các bạn trong những bài chia sẻ tiếp theo của Lukbaongoc.

Tổng hợp, biên tập từ các nguồn Expert Photography, Nikon, photographylife và Canon